UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định số 6809 phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố giai đoạn đến năm 2035.
Dưới góc độ quản lý đô thị, có thể nói đây là một trong những chương trình hành động cụ thể và thiết thực, tạo nền tảng cho các bước chuyển mình mới của đô thị Hà Nội cả về “chất” và “lượng” theo từng giai đoạn phân kỳ thực hiện. Đây cũng là bước quan trọng để cụ thể hóa các nội dung định hướng đã được đề cập trong các quy hoạch lớn của Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu phát triển Hà Nội đến năm 2030 là trở thành đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% – 70%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng hiện đại đạt 30%.
Đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. Thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng đạt 50%.
Ngoài ra, chương trình còn đề cập nhiều chỉ tiêu quan trọng cụ thể đến năm 2035 cần đạt được như: mật độ dân số là 4.744 người/ km2, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thị là 32m2/đầu người…
Trên đây là những tiêu chí rất tham vọng nếu so sánh với các chỉ tiêu tương ứng trong giai đoạn đến cuối năm 2020 trước đây (như: tỷ lệ đô thị hóa chỉ là 49,2%; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng 14,9%; tổng diện tích sàn nhà ở bình quân 27,3 m2/người…).
Ngoài ra, chương trình lần này cũng thể hiện rõ quyết tâm rất lớn trong phát triển đô thị của Hà Nội, như: hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đô thị của 16 quận nội thành tương đương đô thị loại đặc biệt; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc, tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc và Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây trong giai đoạn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên và Thường Tín để tiến tới hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn đến năm 2045…
Một vấn đề đáng chú ý là Hà Nội dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển đô thị đến năm 2035 gần 3 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn dành cho hạ tầng khung (hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, bao gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng…) 1,3 triệu tỷ đồng; vốn dành cho nâng cấp đô thị 1,7 triệu tỷ đồng.
Nếu xem xét tổng số vốn trên với tổng số vốn phát triển đô thị giai đoạn từ 2008 – 2022 hơn 4 triệu tỷ đồng, chúng ta thấy rằng Hà Nội đã tính toán nguồn lực công thấp hơn đáng kể. Đây là điểm đáng khích lệ. Vì sao? Vì chương trình phát triển đô thị của Hà Nội đã lên kế hoạch cụ thể để ưu tiên sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách (tổng số vốn gần 3 triệu tỷ đồng nêu trên chỉ là vốn ngân sách nhà nước).
Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên phân bổ cho các dự án trọng điểm và phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, vốn từ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ODA và nguồn hỗ trợ quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từ mô hình hợp tác công tư (PPP)… sẽ được ưu tiên thu hút để tạo nguồn lực cho các dự án hạ tầng, môi trường, xã hội.
Khác với các chương trình trước đây, chương trình phát triển đô thị lần này của Hà Nội đã đề cập rất rõ nét việc khai thác nguồn lực cho đầu tư từ sử dụng tài nguyên đất đai. Điều này có thể xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn tài nguyên quỹ đất dành cho phát triển ở Hà Nội còn rất lớn, chưa được khai thác hết tiềm năng.
Theo thống kê, sau khi đổi mới cách làm, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của Hà Nội năm 2024 đạt hơn 25.100 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023. Dự báo sau khi UBND thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh có hiệu lực từ 20/12/2024, nhiều nơi tăng gấp 2-6 lần so với bảng giá đất cũ, sẽ giúp mức giá khởi điểm cơ bản sát với thị trường, làm cơ sở tốt hơn cho công tác quản lý và đấu giá đất, qua đó giúp tăng thêm đáng kể nguồn lực thu ngân sách thành phố từ tài nguyên đất đai.
Tất nhiên là còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội. Về khai thác nguồn lực đất đai, kinh nghiệm nhiều quốc gia đi trước cho thấy, cơ chế phát triển đô thị trước đây (nhà nước tổ chức thu hồi đất và giao cho các nhà đầu tư phát triển dự án) thường mang lại giá trị đóng góp ngân sách thấp và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Thay vào đó, giá trị thu từ tài nguyên đất đai trong quá trình phát triển đô thị sẽ được gia tăng đáng kể nếu chuyển sang tập trung tăng nguồn thu từ các loại thuế, phí (bất động sản, môi trường…), và giá trị thặng dư tăng thêm của quỹ đất do chính quá trình đô thị hóa và các chương trình phát triển đô thị tạo ra.
Nói cách khác như nhiều chuyên gia đã đề xuất là chúng ta cần chú ý khai thác nguồn thu từ đánh thuế việc sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất và các loại thuế khác có liên quan đến đất đai, gọi là “thuế bất động sản” hay “thuế tài sản”. Lâu nay chúng ta mới chỉ áp dụng thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có tỷ suất thuế rất thấp, chưa đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất.
Việc giao quyền sử dụng đất cũng nên tính toán thêm cơ chế phối hợp đóng góp và chia sẻ lợi ích thu được giữa các bên đối với các dự án đầu tư có thu và chỉnh trang, phát triển đô thị.
Khai thác tốt nguồn lực đất đai, Hà Nội sẽ có đủ nguồn lực thực hiện thành công chương trình phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2035 xứng tầm “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).