Sau khi sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào thành phố Vinh, dự kiến sẽ có khoảng 109 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
Hôm nay (8/11), Thành ủy Vinh tổ chức trao đổi, thông tin với báo chí về tình hình kinh tế, xã hội, công tác xây dựng đảng; việc thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị Vinh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vinh (Nghệ An) Phan Minh Tuấn cho biết, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường thì thành phố Vinh sẽ có diện tích tự nhiên 166,25km2; có 33 phường, xã; gồm 24 phường và 9 xã. Trong đó có 4 xã lên phường theo đề án của tỉnh Nghệ An, bao gồm: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Đức và Nghi Phú.
Đảng bộ thành phố Vinh mới dự kiến sẽ có 120 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (33 đảng bộ phường, xã; 22 đảng bộ cơ quan; 65 chi bộ cơ sở), với tổng số 895 chi bộ trực thuộc, 31.626 đảng viên.
Thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh ngày 1/12/2024. Ảnh: Quốc Huy
Theo phương án sắp xếp giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nghệ An sẽ sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc.
Cụ thể, toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc sẽ được sáp nhập vào thành phố Vinh.
Dự kiến sau khi sáp nhập, thành phố Vinh sẽ có khoảng 109 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Trong đó, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể dôi dư 41 người; cơ quan HĐND, UBND dôi dư 45 người; đơn vị sự nghiệp trực thuộc dôi dư 23 người.
Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện, 3 thị xã và 1 thành phố. Sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào ngày 1/12/2024, Nghệ An sẽ chỉ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện.
Thị xã Cửa Lò trước ngày sáp nhập vào TP Vinh. Ảnh: Quốc Huy
Trao đổi với VietNamNet, ông Võ Văn Thọ – Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh bước đầu sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận người dân và các địa phương ở Cửa Lò.
Ngoài ra, việc sắp xếp, xử lý tài sản công là trụ sở, nhà, đất của các cơ quan, đơn vị ở thị xã Cửa Lò sau khi sáp nhập vào TP Vinh dự kiến sẽ gặp vướng mắc.
Tuy nhiên, việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện. Các thủ tục hành chính sẽ được cải cách, đơn giản hóa theo cơ chế một cửa, một cửa điện tử…
“Thành phố Vinh sẽ trở thành một đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có biển, sân bay, khu công nghiệp,… Từ đó mở ra cơ hội phát triển mô hình du lịch đa dạng, tập trung phát triển không gian đô thị, hạ tầng dọc bờ biển”, ông Thọ thông tin thêm.