Động đất ở Myanmar thiệt hại lớn do kiểu đứt gãy siêu nhanh hiếm gặpTrận động đất mạnh 7.7 độ richter xảy ra tại Myanmar vào thứ Sáu vừa qua được xác định là do một kiểu đứt gãy hiếm gặp mang tên “supershear” – tức là di chuyển với tốc độ cực nhanh và trên quãng đường rất xa.Đứt gãy đã lan truyền từ Bắc xuống Nam Myanmar chỉ trong khoảng một phút
Các nhà khoa học cho biết, đứt gãy địa chất gây ra trận động đất này – đứt gãy Sagaing khổng lồ nằm giữa mảng kiến tạo Burma và Sunda – có thể đã bị nứt gãy với tốc độ cực nhanh, lan rộng tới 400km.
“Trận động đất xảy ra trên đứt gãy Sagaing – một cấu trúc kiến tạo chính giúp điều chỉnh chuyển động về phía Bắc của Ấn Độ và miền Tây Myanmar so với phần còn lại của Đông Nam Á”, nhà địa chấn học Ian Watkinson từ Đại học Royal Holloway, London, cho biết.
Đứt gãy này kéo dài từ biển Andaman ở phía Nam đến cực Bắc của Myanmar và “có quy mô, kiểu chuyển động và mức độ hoạt động địa chấn rất giống với đứt gãy San Andreas ở California”, theo Tiến sĩ Watkinson.
Nhà địa chấn học Frederik Tilmann từ Trung tâm Khoa học Địa chất GFZ Helmholtz ở Potsdam, Đức cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn: “Vết đứt gãy lan truyền cả về phía Bắc lẫn phía Nam với vận tốc khoảng 3km mỗi giây”.
“Đáng chú ý, vết đứt gãy lan về phía Nam đã tăng tốc lên đến khoảng 5km mỗi giây”, Tiến sĩ Tilmann nói. Điều này cho thấy, đây có thể là một dạng đứt gãy “supershear”.
Một tòa nhà bị sập ở Mandalay vào ngày 28/3 sau trận động đất (Ảnh: AFP qua Getty Images)
Trong các trận động đất supershear, vết đứt gãy dưới lòng đất di chuyển nhanh hơn cả sóng địa chấn mà nó tạo ra.
Điều này khiến năng lượng địa chấn tập trung về phía trước vết đứt gãy, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn, ở phạm vi rộng hơn so với các trận động đất thông thường.
“Kiểu đứt gãy này tương đương với một máy bay phản lực siêu thanh trong thế giới động đất”, ông nói.
“Đứt gãy supershear tạo ra một bức xạ năng lượng địa chấn mạnh theo hướng di chuyển”, nhà địa chấn học giải thích thêm.
“Trận động đất 7.7 độ richter dường như đã làm nứt gãy một đoạn dài 200km của đứt gãy Sagaing”, theo nhà địa chấn học Brian Baptie từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh (BGS).
Tiến sĩ Baptie cũng lưu ý rằng vết đứt gãy đã lan truyền từ Bắc xuống Nam chỉ trong khoảng một phút.
Sự di chuyển nhanh bất thường của các mảng kiến tạo này có thể đã “làm trầm trọng thêm mức độ thiệt hại” ở Myanmar và gây ra tác động mạnh mẽ ở Bangkok – cách tâm chấn hơn 1.000km, Tiến sĩ Tilmann cho biết.
“Trận động đất đã gây ra rung lắc dữ dội, với ít nhất 2,8 triệu người ở Myanmar bị ảnh hưởng bởi rung chấn mạnh hoặc cực mạnh. Đa số dân cư ở khu vực bị ảnh hưởng sống trong các công trình xây dựng từ gỗ hoặc gạch không gia cố, vốn rất dễ bị tổn thương trước động đất”, Tiến sĩ Baptie nói thêm.
Các nhà khoa học nhận định rằng hình ảnh vệ tinh trong những ngày tới có thể giúp xác nhận giả thuyết này.
Số người chết trong trận động đất Myanmar gần chạm mốc 2.900
Theo đài truyền hình nhà nước Myanmar (MRTV), số người thiệt mạng đã tăng lên 2.886 người, trong khi công tác cứu hộ vẫn tiếp tục giữa bối cảnh nội chiến chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
MRTV cũng cho biết, tính đến sáng thứ Tư, có 4.639 người bị thương và 373 người vẫn đang mất tích.
Tại nước láng giềng Thái Lan, số người thiệt mạng do trận động đất đã tăng lên 22, với hàng trăm tòa nhà bị hư hại và 72 người mất tích.
Chính quyền quân sự Myanmar gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào năm 2021. Nội chiến leo thang đã khiến nền kinh tế kiệt quệ và các dịch vụ cơ bản, bao gồm y tế, bị tàn phá nghiêm trọng.
Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 28 triệu người ở 6 khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất và đã phân bổ 12 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ thực phẩm, chỗ ở, nước sạch, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe tinh thần và các dịch vụ thiết yếu khác.
Lê Anh (Theo Independent, Aljazeera)