Đột quỵ ở người trẻ: đừng chủ quan!

Đột quỵ ở người trẻ liên tục được ghi nhận gần đây, trong đó 85% số ca đột quỵ do tăng huyết áp.

Tự bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp

Theo Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), số bệnh nhân (BN) đột quỵ dưới 45 tuổi chiếm 15% các ca đột quỵ tại đây.

Đột quỵ ở người trẻ: đừng chủ quan!- Ảnh 1.

Nếu phát hiện có bệnh tăng huyết áp, cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên và tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩẢnh: LIÊN CHÂU

Trung tâm đang điều trị BN nam 31 tuổi, được chuyển tới trong tình trạng hôn mê, huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. 4 năm trước, BN này bị chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi đó, sau đợt điều trị, ra viện, BN được chỉ định dùng thuốc điều trị tăng huyết áp nhưng đã tự ý bỏ thuốc sau khi thấy huyết áp trở về bình thường.

Với ca bệnh trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm đột quỵ, thông tin: Kết quả chụp phim cho thấy ở lần này BN bị chảy máu não bên phải. Các bác sĩ nhận định BN khó có thể phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu. BN liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.

Đột quỵ do chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ dưới 45 tuổi chiếm khoảng 10 – 15%; dưới 50 tuổi chiếm 15 – 20% trên tổng số các ca bệnh đột quỵ. Trên thế giới cứ 100.000 người dưới 50 tuổi thì có 15 người bị chảy máu não ít nhất 1 lần.

Theo Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 – 85% số ca chảy máu não, còn 15 – 20% chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Có thực tế là người trẻ thường chủ quan, ít khi theo dõi chỉ số huyết áp, ít tập luyện; thừa cân, béo phì và không đi khám sức khỏe định kỳ.

Do đó, khi phát hiện tăng huyết áp, cần duy trì thuốc thường xuyên, suốt đời; tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và khám lại định kỳ để điều chỉnh thuốc cũng như phát hiện sớm các biến chứng.