Dùng flycam rà soát điểm sạt lở trước khi bão số 6 Trà Mi đổ bộ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị dùng flycam để chụp ảnh, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trước khi bão số 6 (bão Trà Mi) đổ bộ.

Chiều 25/10, tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 6 (bão Trà Mi), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là cơn bão được dự báo đổ bộ vào miền Trung, sẽ quần thảo trên biển và đất liền rất lâu. Đồng thời, lượng mưa sẽ rất lớn từ 500-700mm gây ngập lụt diện rộng ở đô thị như năm 2020.

“Các đô thị đã từng xảy ra ngập lụt thì cần lên phương án kê đồ, di chuyển tài sản giá trị lên cao”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khuyến cáo.

Dùng flycam rà soát điểm sạt lở trước khi bão số 6 Trà Mi đổ bộ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Đình Hiếu

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các tỉnh ven biển cần đặc biệt lưu ý sạt lở bờ biển do thời gian lưu sóng lâu, sóng đánh 45-50 độ chếch vào bờ, khả năng cao sẽ có sạt lở bờ biển rất lớn.

Đối với nguy cơ sạt lở đất, ông Hiệp đề nghị các địa phương mở rộng rà soát bằng flycam để không chỉ kiểm tra các vết nứt mà cả những vị trí có cộng đồng dân cư sống ven sông, suối.

Cũng liên quan đến vấn đề sử dụng flycam, Đại tá Phạm Hải Châu – Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, kinh nghiệm ứng phó với cơn bão Yagi vừa qua, Bộ Quốc phòng đã dùng 4 flycam để bay rà soát tại Hà Giang và phát hiện 6 vết nứt.

“Để ứng phó ở cơn bão số 6 này, đề nghị các địa phương, các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương rà soát nguy cơ, chủ động rà soát vị trí xảy ra sạt lở”, Đại tá Phạm Hải Châu nói.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị để ứng phó không hối tếc.

Dùng flycam rà soát điểm sạt lở trước khi bão số 6 Trà Mi đổ bộ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Đình Hiếu

“Các tỉnh ven biển, sườn đông, sườn tây đều có cả đồi núi, cần rút kinh nghiệm từ bão Yagi khi lo tương đối an toàn ngoài biển thì không ngờ lại tác động nhiều ở sườn phía tây.

Cần đưa flycam để chụp ảnh phân tích, cần phủ không gian rộng hơn để có dữ liệu không chỉ chỗ nứt mà cả khe sông, suối có dân cư ở nhằm có các kịch bản di dời phù hợp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cần đưa ra kịch bản khi đứt gãy đường thì có phương án trực thăng cứu hộ, cứu nạn.