Loạt vụ tai nạn khi đổ đèo ở Tam Đảo

Từ chân núi lên trung tâm khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) dài khoảng 14km, tuy nhiên đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, phần lớn là khi các phương tiện đổ đèo.

Chiều 20/4, một xe máy đi với tốc độ cao khi xuống dốc ở Tam Đảo, qua khúc cua đã đâm thẳng vào hộ lan, 2 cô gái bay ra khỏi xe.

Vị trí xảy ra tai nạn trên thuộc xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo), 2 cô gái quê ở tỉnh Thái Nguyên bị thương sau cú tông vào lan can. Trong đó, người cầm lái bị xây xát ngoài da còn người ngồi sau có khâu 2 mũi ở chân.

Đây không phải là lần đầu tiên tại cung đường này xảy ra tai nạn.

Mặc dù quãng đường từ chân núi lên trung tâm khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) dài khoảng 14km, nhưng lòng đường nhỏ và có nhiều khúc cua tay áo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Đặc biệt khi xuống núi, nhiều tài xế thường xuyên sử dụng phanh, khiến phanh bị nóng và mất tác dụng, dẫn đến tai nạn.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2024, một gia đình 4 người (vợ, chồng và 2 con gái) đi xe máy từ đỉnh núi Tam Đảo xuống và không may lao xuống vực. Vụ việc khiến bé gái bị thương nhẹ, trong khi bố bị chấn thương vùng bụng.

Tại cung đường xuống núi Tam Đảo (đoạn qua xã Hồ Sơn), ngày 25/2/2024, ô tô khách 29 chỗ đã bị mất lái, đâm gãy hàng rào hộ lan, lao xuống dưới taluy âm khoảng 5m. Vụ tai nạn khiến 6 người trên xe bị choáng và một người bị gãy tay.

Cũng tại khu vực nêu trên, tháng 6/2017, xe khách 45 chỗ chở học sinh TP Hải Phòng đi từ thị trấn Tam Đảo về Hà Nội bị mất phanh, đâm vào vách núi khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương.

20170608123503 1.jpgTháng 6/2017, một xe khách 45 chỗ chở theo học sinh mất phanh, đâm thẳng vào vách núi khi xuống núi qua địa phận xã Hồ Sơn. Ảnh: XĐ

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn do người điều khiển không quen địa hình, không có kỹ năng lái xe khi đổ đèo.

Đặc biệt, nhiều khuyến cáo không nên sử dụng xe máy tay ga để đi đường đèo, dốc bị phớt lờ.

Theo các tài xế lâu năm, cung đường xuống núi Tam Đảo nói riêng và các cung đường đèo núi nói chung có nhiều đoạn đường cua gấp, tầm nhìn hạn chế, một bên vực một bên vách núi.

Với địa hình trên, không ít tài xế điều khiển phương tiện lấn làn đường, rà phanh nhiều khiến phanh xe mất tác dụng…

Đặc biệt với xe ô tô số tự động, khi xuống đèo, nếu chỉ kiểm soát tốc độ bằng cách rà phanh liên tục, hệ thống phanh sẽ chịu áp lực lớn, dễ gây nóng phanh, thậm chí mất phanh.

Vì thế, người lái phải chủ động kiểm soát tốt tốc độ bằng biện pháp khác ngoài phanh. Thông thường, người lái sẽ tận dụng lực phanh từ động cơ bằng cách chuyển về chế độ số tay, cho số về mức số thấp tùy theo bố trí ở mỗi xe.