Từ khi được phát hiện (năm 1962) đến nay, di tích Đồng Đậu (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) được các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần với tổng diện tích 802 m2. Đồng Đậu là di tích đạt được nhiều cái “nhất” trong số các di tích khảo cổ đã được phát hiện trên đất nước ta. Với mục tiêu đưa di tích khảo cổ học Đồng Đậu trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử, di tích quốc gia đặc biệt quan trọng về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2023 – 2030”, trong đó đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu đề ra.
Từ khi được phát hiện (năm 1962) đến nay, di tích Đồng Đậu được các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần với tổng diện tích 802 m2.
Kết quả nghiên cứu, khai quật cho thấy, Đồng Đậu là di tích đạt được nhiều cái “nhất” trong số các di tích khảo cổ đã được phát hiện trên đất nước ta.
Trước hết, Đồng Đậu là di tích khảo cổ có quy mô rộng lớn (ước tính rộng khoảng 85.000 m2); là di tích khảo cổ duy nhất trong thời kỳ dựng nước có diễn biến văn hóa lâu dài, hiếm có, trải suốt từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, qua Đồng Đậu, Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn.
Việc khai quật di tích Đồng Đậu thu được nhiều hiện vật phong phú, đa dạng nhất về chất liệu, số lượng và kiểu dáng, gồm đá, gốm, xương, sừng, đồng…
Đồng Đậu là một trung tâm tụ cư lớn vào bậc nhất, đồng thời cũng là một trung tâm chế tác đồng thau lớn nhất trong lịch sử luyện kim của người Việt thời dựng nước, thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng cư dân nguyên thủy ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thúc đẩy quá trình thành lập nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam – Nhà nước Văn Lang. Đồng Đậu được ví như một tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước.
Các hiện vật cổ phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại di tích Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc(tỉnh Vĩnh Phúc) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly.Với những giá trị đặc biệt của di tích Đồng Đậu, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất, triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
UBND thị trấn Yên Lạc thành lập Ban Quản lý di tích Đồng Đậu, cử người trực tiếp trông coi di tích; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, giáo dục về lịch sử của địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ di tích, không để xảy ra tình trạng xâm lấn trái phép di tích. Nhờ vậy, đến nay, di tích Đồng Đậu được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Các hoạt động nghiên cứu, khai quật, trưng bày, hội thảo, tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích được mở rộng không chỉ ở cấp địa phương mà mang tầm quốc gia, quốc tế.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà di tích Đồng Đậu vẫn chưa phát huy được những giá trị to lớn để phát triển du lịch. Công tác quản lý, bảo vệ di tích chưa được thực hiện nghiêm ngặt, còn xảy ra tình trạng người dân đào xới các lớp đất văn hóa của di tích để canh tác cây trồng.
Chân gò bị xói lở do các hiện tượng thiên nhiên và một số hoạt động dân sinh. Tình trạng chôn cất người thân, trồng cây lâu năm, đào giếng, tạo đường đi, giao đất đấu thầu thuộc phạm vi các thềm bảo vệ đã làm hư hại tới di tích. Các hố khai quật, các di vật phát hiện tại di tích chưa được bảo quản một cách bài bản, khoa học.
Công tác tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị của di tích chưa được chú trọng. Việc đầu tư, quy hoạch di tích gắn với không gian văn hóa vùng phụ cận chưa hiệu quả. Sự phối hợp trong công tác quản lý gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương chưa nhịp nhàng, đồng bộ.
Di tích Đồng Đậu còn ẩn chứa vô vàn những điều lý thú, mới lạ về giai đoạn lịch sử dựng nước của cha ông ta mà các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà quản lý, các cấp, ngành, cơ quan nghiên cứu cần khám phá, giải trình bổ sung làm sáng tỏ hơn biên niên sử của dân tộc.
Thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2023 – 2030”, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương tiến hành nghiên cứu làm sáng tỏ một cách khoa học, sâu sắc, minh chứng sinh động, phong phú về giá trị dân tộc học tại di tích; đầu tư xây dựng hạ tầng và các trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch tại di tích.
Khoanh vùng, điều chỉnh địa giới các khu vực bảo vệ di tích một cách hợp lý, khoa học; triển khai lắp đặt bia, biển hướng dẫn, trưng bày ngoài trời, trưng bày ảo, giáo dục trải nghiệm, kết nối di tích với các di sản văn hóa tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh để phát triển du lịch.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các nhà khoa học khảo sát, điền dã, lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Qua đó từng bước đưa Đồng Đậu trở thành một trong những di tích đặc biệt giá trị, có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng trong phạm vi quốc gia, dân tộc.