Nếu nhận được cuộc gọi từ số điện thoại sau, người dân nên tắt máy ngay để tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã phản ánh về việc liên tục xuất hiện văn bản giả mạo thương hiệu, con dấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như việc nhiều đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực, công ty điện lực để lừa đảo, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành điện.
Số điện thoại lừa đảo mới, chặn số ngay để đề phòng!
Cụ thể, ngày 14/11 vừa qua, chị D.T.N. (trú tại Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0819343248. Người gọi tự xưng là nhân viên điện lực của EVN, thông báo rằng gia đình chị chưa thanh toán tiền điện và yêu cầu hoàn thành khoản thanh toán ngay lập tức, nếu không sẽ bị cắt điện trong tối cùng ngày.
Khi chị T.N. phản hồi rằng gia đình mình đã thanh toán đầy đủ tiền điện, đối tượng tiếp tục khẳng định: “Số tiền nộp không thấy ghi nhận trên hệ thống. Nhân viên kỹ thuật sẽ liên hệ lại để kiểm tra và hướng dẫn”.
Cơ quan công an tại các địa phương khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu từ những cuộc gọi giả danh cán bộ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật. (Ảnh minh hoạ)
Vài phút sau, chị T.N. nhận thêm một cuộc gọi từ chính số 0819343248. Lần này, người gọi tự xưng là nhân viên kỹ thuật của EVN và nhấn mạnh rằng hệ thống vẫn chưa cập nhật khoản thanh toán. Đối tượng tiếp tục đe dọa sẽ cắt điện trong tối hôm đó nếu vấn đề không được giải quyết.
Để tạo lòng tin và hối thúc chị T.N., đối tượng hướng dẫn tải một ứng dụng được cho là “phần mềm dịch vụ công” nhằm cập nhật và đồng bộ thông tin thanh toán tiền điện. Sau khi chị T.N. cài đặt ứng dụng, đối tượng yêu cầu chị sử dụng thẻ ngân hàng có chip để quét thông tin.
Khi chị T.N. cho biết chỉ có thẻ tín dụng chứ không có thẻ chip, đối tượng ngay lập tức điều chỉnh kế hoạch.
Đối tượng này tiếp tục gửi mã QR và hướng dẫn chị T.N. thực hiện quét mã thanh toán thông qua ứng dụng ngân hàng bằng thẻ tín dụng. Đối tượng này còn yêu cầu chị T.N. lấy thẻ khác để che phần giao dịch. Cảm thấy đối tượng không tin tưởng, khi quét mã QR, chị T.N. bỏ phần thẻ che và phát hiện tài khoản đang thực hiện giao dịch hơn 72 triệu đồng. Ngay lập tức, chị T.N. hủy giao dịch kịp thời.
Các thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi người dân cần cảnh giác
Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua điện thoại diễn ra rất phổ biến. Một số thủ đoạn quen thuộc thường thấy như:
– Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện gây sức ép, yêu cầu nộp tiền. Kịch bản lừa đảo trong tình huống này là: Giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… liên hệ với nạn nhân thông báo vi phạm không có thật, khai thác thông tin cá nhân của người nghe. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra.
– Giả danh ngân hàng gọi điện mời chào vay tiền online. Thủ đoạn này thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
– Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số… gọi điện thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Cơ quan công an tại các địa phương khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu từ những cuộc gọi giả danh cán bộ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại hay mạng xã hội. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi lừa đảo, người dân nên nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Tham khảo thêmLý Tử Thất dính chất độc khi làm tác phẩm sơn mài \’Tử Khí Đông Lai\’: Quốc túy Trung Hoa 8.000 năm!
Huỳnh Duy