Ngày đầu tiên tại “nhà mới” của những đứa trẻ từng sống tại Mái ấm Hoa Hồng

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH TP HCM khẳng định 3 cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận các trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng sẽ tạo môi trường sống, sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Ngày 5-9, đoàn lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH TP HCM đã đến thăm các trẻ vừa được đưa từ Mái ấm Hoa Hồng về chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc sự quản lý của sở này.

Cụ thể, 85 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp; Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình; Làng Thiếu niên Thủ Đức.

Hôm nay cũng là ngày đầu tiên các em được sống tại “ngôi nhà mới”. Tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình có 34 trẻ chuyển về. Tại đây, các em vui mừng đón nhận những đồ chơi do các cô chú trong đoàn phát. Trong căn phòng sạch sẽ, khang trang, các em vui đùa cùng nhau. Có những em nằm ngủ ngon trong vòng tay cô bảo mẫu.

“Tối qua là đêm đầu tiên, còn lạ chỗ nên các cháu có khóc. Đến sáng nay thì đã bắt đầu quen và chịu chơi. Ăn uống đầy đủ, buổi trưa thì ngủ rất ngoan” – một bảo mẫu chia sẻ với phóng viên.

Ngày đầu tiên tại nhà mới của trẻ em Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 1.

Những đứa trẻ vui mừng khi nhận đồ chơi

Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình cho biết trước mắt, đơn vị sẽ tập trung nhân sự để chăm sóc các bé vừa từ Mái ấm Hoa Hồng chuyển đến.

“Hiện nay, các cháu cần được ưu tiên ổn định về sức khỏe và tâm lý. Thời gian đầu còn lạ chỗ, lạ người nên chưa quen. Nhưng ở độ tuổi của các cháu cũng rất nhanh hòa nhập với nơi ở mới” – ông Tuyến nói.

Ngày đầu tiên tại nhà mới của trẻ em Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 2.

Các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình

Phóng viên ghé thăm một phòng nhỏ hơn với khoảng 6 trẻ. Lúc đến, các bé đang nằm ngủ và có bảo mẫu túc trực cạnh bên. Cô bảo mẫu phụ trách chăm sóc nhóm trẻ này kể: “Các cháu không nghe lời người lớn, sinh hoạt không theo nề nếp, quậy phá và còn nói tục. Có bé có dấu hiệu tự kỷ, liên tục đập đầu vào tường. Có những bé trên người còn mang vết bầm tím… Chúng tôi sẽ chăm sóc và giáo dục lại các bé”.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH TP HCM khẳng định 3 cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận các trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng sẽ tạo môi trường sống, sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh cho các trẻ.

Theo ông Thinh, các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố được đầu tư để đảm bảo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong suốt thời gian dài vừa qua. Với các trường hợp tại Mái ấm Hoa Hồng, Sở LĐ-TB và XH hoàn toàn chủ động tiếp nhận và đưa các cháu về đây để chăm sóc.

Ông Thinh cho biết công tác này diễn ra tương đối thuận lợi.

“Tuy nhiên, để chăm sóc chu đáo cho các cháu, Sở LĐ-TB và XH cũng cần huy động, bố trí lại nhân sự của đơn vị” – ông Thinh nói.

Ông Lê Văn Thinh cho biết trong thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với địa phương để kiểm tra, quản lý, giám sát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội đã cấp phép; ngăn chặn các cơ sở bảo trợ không phép hoạt động.

Ngày đầu tiên tại nhà mới của trẻ em Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 4.

Các trẻ đang được chăm sóc tại Làng Thiếu niên Thủ Đức

Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Lê Văn Thinh cho biết trước mắt, sở này sẽ thành lập 3 tổ công tác để tiến hành rà soát lại tất cả 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã được cấp phép và 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Qua đó, chấn chỉnh tình hình hoạt động của những cơ sở bảo trợ xã hội chưa thực hiện theo quy định ngay trong tháng 9 này. Đối với các cơ sở bảo trợ xã hội sắp hình thành, Sở LĐ-TB và XH sẽ yêu cầu các cơ quan cấp phép phải thẩm tra, thẩm định đầy đủ theo quy định. Khi đã cấp phép rồi thì phải đưa vào cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn các tình huống tương tự như tại Mái ấm Hoa Hồng.

Ngày đầu tiên tại nhà mới của trẻ em Mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 5.

Ông Lê Văn Thinh thăm các trẻ đang được chăm sóc tại Làng Thiếu niên Thủ Đức

Trong khi đó, Làng Thiếu niên Thủ Đức tiếp nhận 36 trẻ. Ông Nguyễn Hữu Tài, giám đốc đơn vị này cho biết trong thời gian ngắn đã tiếp nhận số lượng trẻ khá đông. Đa số các em bị sang chấn tâm lý và ảnh hưởng về sức khoẻ. Do đó, Làng Thiếu niên Thủ Đức tập trung tối đa nhân viên nhằm chăm sóc tốt nhất có thể cho các trẻ này.

“Đầu tiên, chúng tôi cách ly để theo dõi, chăm sóc sức khoẻ cho các cháu. Qua đó, nếu có những biểu hiện bất thường về tâm lý, chúng tôi sẽ có biện pháp can thiệp sâu hơn, giúp các cháu hồi phục. Đặc biệt trong giai đoạn hiện tại là dịch bệnh cũng phức tạp nên chúng tôi coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh” – ông Tài nói.