Ngư dân Nghệ An ‘khóc ròng’ vì tàu cá nát tươm khi mắc cạn ở cửa biển

Với những ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An), doi cát ở nơi cửa biển luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi tàu thuyền cập bờ. Hàng năm, nhiều phương tiện bị mắc cạn, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Xót xa vứt bỏ tài sản nơi cửa biển

Kể từ khi chiếc tàu cá bị mắc cạn ở cửa biển lạch Vạn, vợ chồng anh Đặng Văn Hải (SN 1979) và chị Ngô Thị Duân (SN 1980), trú xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống.

W-Lachvan1.jpgTàu cá của ngư dân Đặng Văn Hải mắc cạn trên đường vào cảng lạch Vạn. Ảnh: Ngư dân cung cấp

Căn nhà cấp bốn lụp xụp dựng tạm trên đất của ông bà ngoại là chỗ ở duy nhất của vợ chồng anh cùng 4 người con nhỏ. Trên khuôn mặt buồn bã, thất thần của người đàn ông chất chứa nỗi xót xa khi chiếc tàu cá, tài sản lớn nhất của gia đình mới đây bị mắc cạn.

Anh Hải kể lại, vào khoảng 23h ngày 4/11, tàu cá của anh mang số hiệu NA-3740-TS với công suất hơn 140CV, chiều dài gần 14m đang trên đường vào cảng lạch Vạn (cách bờ khoảng 100m) thì không may gặp sóng to, gió lớn bị xô dạt vào doi cát.

W-Lachvan2.jpgMáy móc được chủ tàu thuê để giải cứu khi nước xuống. Ảnh: Ảnh: Việt HòaW-Lachvan3.jpgTáu bị lún sâu dưới lớp cát, anh Hải đành chấp nhận tháo dỡ máy móc, ngư cụ. Ảnh: Việt Hòa

Ngay sau đó, các thuyền viên đã nhanh chóng báo tin cho chính quyền địa phương, đoàn viên trong nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đến hỗ trợ, giúp sức đưa phương tiện ra khỏi vị trí gặp nạn.

Chủ tàu đã thuê thêm 2 máy xúc, máy kéo để tham gia giải cứu phương tiện. Tuy nhiên trong điều kiện sức gió quá mạnh, sóng lớn nên đến khoảng 6h ngày 5/11, phần đáy thuyền bị lún sâu, chôn chặt trong cát.

W-Lachvan4.JPG.jpgNỗi buồn của ngư dân Đặng Văn Hải khi tàu mắc cạn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Việt Hòa

“Gia đình tôi đành chấp nhận tháo dỡ toàn bộ máy móc và vận chuyển ngư cụ, các vật dụng ra khỏi phương tiện để giảm phần nào thiệt hại”, anh Hải xót xa nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Sự việc khiến gia đình anh Hải thiệt hại hàng trăm triệu đồng, rơi vào cảnh khó khăn. Giờ máy móc, ngư lưới cụ vớt vát được vợ chồng cũng bán rồi và hàng ngày phải đi làm thuê, làm mướn để lo cho các con ăn học”.

W-Lachvan5 (2).JPG.jpgNhững tấm ván gỗ từ thân tàu gặp nạn Ảnh: Việt Hòa

Trước đó, vào tháng 7/2024, tàu cá NA-90479-TS và NA-90582-TS của ngư dân xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu) đang trên đường vào cửa lạch cũng bị mắc cạn, nước tràn vào tàu, làm hỏng máy gây thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay (tháng 11/2024), đã có 9 tàu cá của ngư dân gặp nạn ở khu vực cảng lạch Vạn, gây thiệt hại lớn cho ngư dân.

Nhiều ngư dân huyện Diễn Châu cho biết: “Cửa lạch Vạn bị bồi lấp hàng chục năm nay, gây nhiều khó khăn, tốn kém chi phí cho ngư dân mỗi khi ra biển đánh bắt hoặc cập bờ bán hải sản. Luồng lạch bị cạn khiến tàu cá trên 15m phải chờ thủy triều lớn nhất mới cập cảng được. Việc ra khơi, đánh bắt của người dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Mang tàu đi nơi khác trú đậu

Cửa biển lạch Vạn là một trong 6 cửa lạch lớn của tỉnh Nghệ An, mỗi ngày đón hàng trăm lượt tàu, thuyền của ngư dân huyện Diễn Châu ra vào.

Hàng chục năm qua, cửa biển lạch Vạn bị bồi lắng nghiêm trọng do phù sa từ sông Bùng đẩy xuống, phù sa theo chiều gió mùa Đông – Bắc thổi vào tạo nên những doi cát nguy hiểm. Thực trạng này tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông ra, vào lạch.

W-Lachvan6.JPG.jpgNhững doi cát nguy hiểm ở cửa lạch Vạn, huyện Diễn Châu. Ảnh: Việt Hòa

Cũng do lạch cạn, nhiều ngư dân Diễn Châu phải mang tàu đi nơi khác trú đậu. Trong đó, tàu hậu cần nghề cá hơn 1.000CV của ông Ngô Trí Đông (trú ở xã Diễn Ngọc) từ khi được đưa vào sử dụng đến nay đều phải cập cảng Cửa Lò hoặc ở cảng lạch Quèn mà không thể vào cảng lạch Vạn.

W-Lachvan7.JPG.jpgTàu thuyền cập vào lạch Vạn khi thủy triều dâng cao. Ảnh: Việt Hòa

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu Lê Thế Hiếu cho biết, tình trạng bồi lắng tại cửa Lạch Vạn đang ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.

“Hàng năm, UBND huyện đều có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An và các cấp ngành liên quan để đề nghị sớm có phương án khắc phục, xử lý tình trạng bồi lắng tại cửa Lạch Vạn”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, việc cửa Lạch Vạn bị bồi lắng khiến tàu thuyền gặp nhiều khó khăn khi ra vào. Nhiều chủ tàu đã bị thiệt hại nặng do tàu mắc cạn không thể sửa chữa. Lạch cạn cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, ngư dân không thể phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, hoạt động hậu cần nghề cá cũng gặp nhiều khó khăn.