Nhiều vùng nông thôn ô nhiễm không khí

Nhiều vùng nông thôn ở miền Bắc đối mặt với ô nhiễm bụi, đặc biệt là khu vực gần làng nghề, nơi khai thác khoáng sản và khu công nghiệp.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 – Môi trường nông thôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đánh giá chất lượng môi trường không khí ở vùng nông thôn – nơi sinh sống của hơn 61 triệu dân thường xuyên ở mức tốt, nhưng đã ghi nhận ô nhiễm cục bộ.

Kết quả quan trắc cho thấy vùng nông thôn miền Bắc có những đợt chất lượng không khí bị suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần giới hạn quy chuẩn. Ô nhiễm không khí phân hóa theo vùng miền, phía Bắc thường cao hơn so với miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tại mỗi vùng miền, chất lượng không khí cũng có sự phân hóa về nồng độ, phụ thuộc vào sự phân bố của các nguồn thải.

Đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội tháng 1/2025. Ảnh: Gia Chính

Theo báo cáo, ở nông thôn khu vực ô nhiễm nhất là các làng nghề. Kết quả quan trắc tại làng nghề Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Phong Khê, Văn Môn (Bắc Ninh), Ninh Văn (Ninh Bình) cho thấy chỉ số bụi lơ lửng vượt quy chuẩn có nơi gần hai lần.

Riêng tại trạm Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), nơi gần làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá cho thấy thông số bụi PM 10 và PM 2.5 trung bình năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay vượt quy chuẩn.

Tiếp theo là khu vực gần khu công nghiệp như cụm công nghiệp Phong Khê 2, Lỗ Sung (Bắc Ninh), Phong Phú (Trà Vinh), chỉ số bụi mịn vượt quy chuẩn. Hay tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) từ năm 2021 đến nay bụi PM 2.5 đều vượt quy chuẩn.

Ô nhiễm bụi lơ lửng tại các khu vực khai thác khoáng sản. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia

Ô nhiễm không khí nông thôn cũng ghi nhận tại khu vực khai thác và vận chuyển khoáng sản. Báo cáo chỉ ra khu vực chế biến khoáng sản tại Lào Cai, Phú Thọ, Đà Nẵng, Vĩnh Long có giá trị bụi lơ lửng vượt giới hạn trung bình 1,1-2,2 lần.

Chất lượng nước mặt suy giảm

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia đánh giá chất lượng nước mặt ở hầu hết vùng nông thôn có thể sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, nhiều nơi đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, ở một vài nơi, chất lượng nước mặt đã có dấu hiệu bị suy giảm, thậm chí đã ghi nhận ô nhiễm.

Vấn đề nổi cộm, ghi nhận ở hầu hết địa phương từ Bắc vào Nam, là tình trạng ô nhiễm nước mặt tại các kênh, mương nội đồng do tiếp nhận nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi.

Kết quả quan trắc 387 mẫu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2023 thì 180 điểm ô nhiễm BOD5, 229 điểm ô nhiễm COD, 125 điểm ô nhiễm TSS, 288 điểm ô nhiễm nitrit, 174 điểm ô nhiễm phốt phát và 109 điểm ô nhiễm amoni.

Các sông cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm. Đơn cử kết quả quan trắc nhiều năm trên sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, sông Nhuệ đoạn chảy qua ngoại thành Hà Nội tiếp giáp tỉnh Hà Nam, sông Châu Giang qua tỉnh Hà Nam các thông số như TSS, COD, BOD5, amoni, Coliform vượt quy chuẩn.

Sông Nhuệ, tháng 10/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Riêng tại điểm Đào Xá, sông Ngũ Huyện Khê và điểm trên sông Nhuệ chảy qua ngoại thành Hà Nội chất lượng nước ở mức xấu đến rất xấu (mức C-D).

Môi trường nước mặt nông thôn vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động bởi nước thải từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy hải sản. Hàm lượng các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh cao do thức ăn dư thừa, xác thủy sản, chất thải vượt khả năng tự làm sạch của nguồn nước.

Đơn cử tại Cà Mau, trong số 14 vị trí quan trắc tại khu vực có mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2022 thì 11 điểm giá trị DO, 5 điểm giá trị amoni, ba điểm phốt không đáp ứng quy chuẩn.

Nguy cơ ô nhiễm đất

Báo cáo cho biết hầu hết khu vực quan trắc chất lượng đất chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp. Ở miền Bắc là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà máy hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), miền Trung là khu công nghiệp Phú Bài (Bình Định), Liên Chiểu (Đà Nẵng), miền Nam là các khu công nghiệp dọc sông Sài Gòn, Vàm Thuật, Nam Tân Uyên, Long Thành.

Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, song tuân thủ hơn 7 ngày mới thu hoạch. Ảnh: Đắc Thành

Kết quả quan trắc ghi nhận đất nông nghiệp gần các khu vực nêu trên có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng Cu, Pb, Zn, Cd, Hg. Một số vị trí có thông số kim loại nặng vượt giới hạn 1,1-1,8 lần.

Ngoài ra, báo cáo hiện trạng cũng đánh giá các hoạt động thâm canh nông nghiệp cũng khiến đất có xu thế bị chua hóa, hàm lượng hữu cơ giảm dần, có hiện tượng phú dưỡng lân, ô nhiễm nitrat, nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng và đã ghi nhận tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.

Ngoài ra, hoạt động của các làng nghề cũng như từ nguồn rác thải nhựa được đánh giá là nguy cơ gây ô nhiễm đất.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hai năm một lần với từng chủ đề riêng, như môi trường không khí, môi trường nước, chất thải.