(Dân trí) – “Anh ơi! Đi về thôi, Út về đón rồi, đi về thôi”, chị Hoàng Thị Nhiên cầm tay con nhỏ đang nắm 3 nén hương gọi chồng về, nhưng thi thể anh vẫn đang nằm đâu đó dưới hàng chục nghìn khối đất, mênh mông.
Sau tiếng nổ như bom rạng sáng 10/9, hàng chục nghìn khối đất đã đổ ập xuống xóm nhỏ tại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cướp đi sinh mạng 8 người, vùi lấp hoàn toàn 4 căn nhà nơi đây.
Đến thời điểm hiện tại, ngày 20/9 vẫn còn một nạn nhân mất tích là anh Hoàng Văn Dược (33 tuổi), Phó Chủ tịch Hội cựu Chiến binh xã Minh Xuân.
Ngồi trong chiếc lều dã chiến được huyện đội Minh Xuân dựng lên trước lối vào vụ sạt lở, vội vàng xỏ đôi ủng, tôi cùng nhiều người dân thôn Át Thượng đi đến hiện trường; người cầm cuốc, người cầm xẻng, người cầm gậy để cùng với chính quyền địa phương tìm thi thể anh Hoàng Văn Dược.
Con đường bê tông vắt qua giữa cánh đồng lúa dẫn vào xóm nhỏ nơi có những căn nhà sàn lưng tựa đồi, cùng quay xuống chung một cái ao giờ đây chỉ còn một màu vàng với hàng chục nghìn khối đất.
Dẫu nguy cơ sạt lở vẫn có thể tiếp tục xảy ra, song nghĩ đến cảnh một người vợ mỏi mòn ôm con thơ đợi chồng; không ai có thể ngồi yên, họ bảo nhau tìm kiếm thi thể anh Dược dưới sự chỉ đạo của lực lượng cứu hộ.
Dừng lại trước một người dân trong thôn đang đưa tay xuống mò dưới đống đất bùn, một giọng nói cất lên: “Có phải mùi xác chết không?”, ông đáp lại bằng cái lắc đầu trong sự tuyệt vọng.
Phía dưới cách điểm sạt lở hàng trăm mét vốn là cánh đồng lúa giờ đây đã bị bủa vây bởi biển đất, chứng kiến hàng chục người trên tay cầm những chiếc gậy nhẹ nhàng thọc xuống để tìm kiếm thi thể anh Dược, không ai có thể cầm được nước mắt.
Thời điểm tôi vào hiện trường đã là ngày thứ 8 anh mất tích, chính quyền địa phương vẫn chưa thông báo anh tử vong, song nhìn những chiếc khăn tang trên đầu người thân cùng tiếng gọi: “Dược ơi, cháu linh thiêng để cho anh em cứu hộ tìm thấy đưa cháu về với vợ với con”, tôi lặng người ngầm hiểu.
Anh Hoàng Văn Dược là Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Minh Xuân, vợ anh là chị Hoàng Thị Nhiên (25 tuổi) và con trai là cháu Hoàng Minh Khang (5 tuổi). Thời điểm vụ sạt lở ập xuống, căn nhà anh đã bị thổi bay hoàn toàn, giờ đây mẹ già, vợ và con anh phải nương tạm nhà bác.
Chị Hoàng Thị Duy, chị gái anh chia sẻ: “Dược làm cán bộ ở xã, vợ làm công nhân với mức lương chỉ 4 triệu đồng/tháng, gia đình em trai cũng không có điều kiện, tích góp mãi mới xây được ngôi nhà sàn để vợ chồng và mẹ già sinh sống, nhưng giờ đây bị san phẳng hết rồi”.
Trận lở đất xảy ra quá nhanh và bất ngờ, sau 2 tiếng nổ lớn toàn bộ khu vực sinh sống của 4 hộ gia đình đã bị vùi trong biển đất.
Chỉ tay về phía cái bồn nước là tài sản duy nhất còn sót lại của gia đình anh, một người thân cho biết: “Nhà Dược ở ngay dưới tâm điểm sạt lở, sau tiếng nổ như bom, đất cát ập xuống thổi bay căn nhà xuống tận ao bên dưới, cách vị trí ban đầu hàng chục mét.
Thời điểm xảy ra vụ sạt lở, vợ Dược vào trong nhà ngoại trông bà ốm, ở nhà chỉ có Dược, mẹ và con trai; may mắn là mẹ và con được hàng xóm cứu sống”.
Giữa tiếng máy xúc đang ù ù múc đất tìm kiếm, một người dân thuật lại: “Sau khi nghe tiếng nổ to và kéo dài, anh Tiện – hàng xóm nhà anh Dược – đã cầm chiếc đèn pin chạy ra ngoài xem, lúc đó chỉ thấy một màu đen kịt, hàng chục nghìn khối đất đã vùi lấp những ngôi nhà ở đây”.
Trận lở đất đã nhấn chìm 2 bà cháu đến cổ, bà Hoàng Thị Thắng (62 tuổi, mẹ anh Dược) đã dùng hai tay đẩy cháu nội nhô lên để kêu cứu và được anh Tiện phát hiện cứu sống ngay trong khoảnh khắc “cửu tử nhất sinh”. Hiện mẹ và con trai anh đã dần ổn định về sức khỏe.
Nhờ nghe thấy tiếng kêu cứu, anh Tiện mới phát hiện ra vị trí đứa trẻ, sau đó cứu sống thêm mẹ và cháu của anh Hoàng Văn Dược.
Đứng trên điểm sạt nhìn xuống thung lũng được vùi lấp bởi hàng chục nghìn khối đất, thấp thoáng những đốm trắng là những chiếc khăn tang được người thân anh đội trên đầu, tiếng hô gọi vẫn không ngớt.
Họ gọi không phải vì hy vọng anh còn sống, theo những người thân trong gia đình, đó là tiếng “gọi hồn” mong anh linh thiêng để lực lượng chức năng sớm tìm thấy thi thể. Dù đó chỉ là một mảnh xương, họ cũng sẽ đưa anh về với gia đình để thờ phụng.
“Thương cháu nó quá, không biết cháu nằm đâu giữa hàng chục nghìn khối đất này. Vợ Dược suy sụp không còn sức để ra đây, con trai nhỏ tuổi quá, nó chưa biết bố đã qua đời. Giờ gia đình cũng xác định Dược không còn, chỉ mong tìm thấy thi thể để cho cháu được mồ yên mả ấm.
Cũng thương lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương, họ làm xuyên trưa hơn 1 tuần nay để tìm kiếm cháu tôi”, người thân trong gia đình anh Dược nấc nghẹn.
Nhà đã bị san phẳng, giờ đây người thân gia đình anh Hoàng Văn Dược mong muốn có được một căn nhà làm mái ấm giúp mẹ già, vợ và con nhỏ có chỗ dựa để sống tiếp cuộc đời của mình.
Cơn bão đã đi qua song hậu quả mà nó để lại vô cùng thảm khốc, nhìn con trai nhỏ của anh đang phải nương nhờ nhà khác, tôi quay đi mà không kìm được nước mắt.
Trận lở đất đã lấy đi người cha, lấy đi chỗ ở của em; giờ đây đâu còn cảnh mỗi khi chiều tà hai cha con nô đùa dưới sân và những bữa cơm lại thiếu đi một người.