Sau khi Báo Lao Động phản ánh về “đế chế” kinh doanh hàng hiệu giả, Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Báo Lao Động vừa thực hiện loạt bài “Thế giới ngầm” bên trong “đế chế” kinh doanh hàng hiệu giả“, phản ánh các cơ sở được coi là “thủ phủ” kinh doanh hàng hiệu giả như Maison Du Sac Hoàng Anh (khu đô thị Himlam Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Gabrielle Paris (85D Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội), Ricci Lux (ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội)…
Với những mánh khóe kiếm lời tinh vi, các cơ sở trên đã kinh doanh hàng giả mạo các thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới Dior, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Prada, đồng hồ Rolex… vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Ngay sau phản ánh của Báo Lao Động, Phòng 5 – Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 1, Đội quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Tại cơ sở kinh doanh (địa chỉ BTT6-5 Khu đô thị Him Lam, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) do ông Nguyễn Hoàng Anh, sinh ngày 30.5.2001 làm chủ kinh doanh, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang bày bán các sản phẩm túi, ví các loại và đồng hồ có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Trong đó, có 42 túi xách nhãn hiệu Chanel; 16 túi xách nhãn hiệu Louis Vuitton; 4 ví Louis Vuitton; 22 túi xách Dior; 3 ví Dior; 3 túi Gucci; 31 túi Hermes; 4 túi xách YSL; 7 đồng hồ Rolex…
Thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Hoàng Anh – chủ hộ kinh doanh cho biết – đã thiết lập, quản lý và sử dụng mạng xã hội Facebook có tên “Maison Du Sac Hoang Anh” để giới thiệu sản phẩm, xúc tiến hoạt động kinh doanh của cơ sở.
Đoàn kiểm tra cùng chủ cơ sở kinh doanh đã đăng nhập tài khoản Facebook có tên nêu trên để kiểm tra, xác thực thông tin.
Đoàn kiểm tra phát hiện trên Facebook có cung cấp thông tin về hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp, như thông tin, hình ảnh về sản phẩm túi có nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton, Hermes…
Ông Hoàng Anh cho biết, các thông tin, hình ảnh về sản phẩm được đăng tải trên Facebook chính là các sản phẩm có tại cơ sở được ông chụp ảnh và đăng tại tài khoản trên.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, liên hệ với đại diện chủ thể quyền của các nhãn hiệu để xác nhận hàng thật – giả, xử lý theo quy định.
Qua xác nhận, toàn bộ số hàng trên là hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Do đó, căn cứ hồ sơ vụ việc và các quy định của pháp luật, Đội Quản lý thị trường số 1 xác định ông Nguyễn Hoàng Anh đã có các hành vi vi phạm hành chính sau:
Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 62 Nghị định số 122/2021 ngày 28.12.2021 của Chính phủ.
Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 99/2013 ngày 29.8.2013 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 126/2021 ngày 30.12.2021 của Chính phủ và Điểm a, Điểm b Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 46/2024 ngày 4.5.2024 của Chính phủ.
Cung cấp thông tin hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 63 Nghị định số 98/2020 ngày 29.8.2020 của Chính phủ.
Hồ sơ vụ việc đã được Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề xuất để xử lý theo quy định pháp luật.