Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội đang được lấy ý kiến cho biết, có 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ được UBND thành phố Hà Nội đề xuất tăng từ 1,5 đến 2 lần so với quy định chung; đề nghị áp dụng từ tháng 7/2025.
CSGT Hà Nội tuần tra, điều tiết giao thông trên đường. |
Các nhóm lỗi được đề xuất tăng mức phạt là nguyên nhân gây tai nạn, ùn tắc; ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông như: Hành vi không chấp hành chỉ dẫn, hiệu lệnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu; đi vào đường cấm; sai phần đường, làn đường; dừng đỗ trái quy định; chạy quá tốc độ; chở hàng, xếp hàng quá trọng tải; vi phạm nồng độ cồn; lạng lách đánh võng; bấm còi, rú ga (nẹt pô); một số hành vi vi phạm trong đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe, trong đăng kiểm phương tiện, sử dụng lòng đường vỉa hè, kinh doanh vận tải.
Đánh giá thực tiễn và tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội cho rằng cần tiếp tục tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông, kiềm chế và làm giảm ùn tắc, tai nạn.
Cùng với đó, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cho phép HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn so với mặt bằng chung cả nước và mức phạt này không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định.
Nghị định xử phạt mới (Nghị định 168/2024) vừa được triển khai rộng rãi trên cả nước từ 1/1/2025. Một số lỗi vi phạm giao thông tại nghị định này có mức phạt tăng hàng chục lần so với quy định cũ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Phi Long nêu quan điểm ủng hộ các giải pháp của cơ quan chức năng, trong đó có việc tăng mức phạt cao để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết, mức phạt cao chỉ là một trong các giải pháp vì giảm được ùn tắc, tai nạn còn phải là công tác quản lý, quy hoạch và thực hiện quy hoạch về phát triển hạ tầng giao thông…
Luật sư Nguyễn Hoàng Anh cũng cho biết, để giảm ùn tắc có hiệu quả, Hà Nội phải thực hiện nhiều giải pháp chứ không phải chỉ mỗi việc làm đơn giản nhất là tăng mức phạt.
Theo luật sư Hoàng Anh, mức phạt chung hiện nay có các lỗi đã cao hàng chục lần so với trước, và cao hơn mức phạt nhiều thành phố phát triển, nếu thành phố Hà Nội không thực hiện các giải pháp đồng bộ khác như hạn chế xe cá nhân, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông để giảm mật độ xe trong nội đô như Vành đai 3,5, Vành đai 4, Vành đai 5… thì khó giảm được ùn tắc giao thông.