Bạn đang có bao nhiêu tiền trong số dư tài khoản?
Những ai được bố mẹ cho thì không nói, còn những người tự đi lên bằng chính đôi chân của mình có lẽ sẽ hiểu được cảm giác của cô gái này hơn cả! Một bức ảnh chụp số dư tài khoản cùng dòng tâm sự của một cô gái ở Hà Nội đã khiến rất nhiều người phải suy ngẫm.
Cụ thể là mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô gái từng mất cha khi mới học lớp 3, khiến nhiều người phải nể phục; thậm chí là… giật mình tự vấn bản thân.
Lớn lên trong gia đình có phần nghèo khó, chẳng có nổi cái xe đạp tử tế để đi học, nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, cùng chỗ dựa tinh thần vững chắc là anh trai và mẹ, cô đã học xong Đại học, đi làm kiếm tiền, kết hôn, chắt chiu dành dụm và có gần 2 tỷ tiết kiệm.
Bức ảnh cô đăng lên cùng những dòng tâm sự không quá dài, nhưng lại khiến hàng ngàn người phải nể phục
“Bố mình mất khi mình học lớp 3, anh mình lớp 7. Mẹ lại bị ốm phẫu thuật 2 lần liên tục trong vòng 1 năm. Nhà mình chẳng còn đồng nào, ngày ra viện là 28 tết, hàng xóm còn thương cho bánh chưng ăn tết.
Mình nhớ nhà nghèo tới nỗi cuối năm tổng kết, mình được trao phần thưởng nhưng không dám lên nhận vì quần áo mình rách quá… Rồi trời thương, mẹ nuôi trồng vài năm thuận lợi cũng có tiền trang trải nợ nần và nuôi anh em mình ăn học. Anh em mình biết nhà không có tiền nên không bao giờ đòi hỏi điều gì.
Rồi anh mình tốt nghiệp cấp 3 xong là vào TP.HCM lập nghiệp. Lúc đó, mình vào lớp 10, chỉ ước có cái xe đạp tử tế để đi học khỏi phải đi nhờ xe bạn. Khởi nghiệp 3 năm khó khăn, đến lúc mình tốt nghiệp, anh mình đã có thể nuôi mình học đại học. Mình học đại học từ năm 2009 ở Hà Nội, mỗi tháng anh mình gửi cho 1 triệu… Mới ra trường, mục tiêu của mình là tự nuôi sống bản thân. Mình xin việc khắp nơi để đạt được mục tiêu. Mình vừa làm vừa tiếp tục học thêm về chuyên ngành đã học, rồi trời thương, lương mình tăng dần, mình trả được nợ vay vốn sinh viên, trả nợ vay cho mẹ, mua được xe ga…
Sau hơn 10 năm cày cuốc từ 2 bàn tay trắng, trời thương cho mình gặp ông chồng cũng chịu khó. 2 vợ chồng mình đã mua được đất, xây được nhà, mua được ô tô. Anh mình cũng mua trả góp căn chung cư ở Hà Nội. Giờ mình làm tự do đúng chuyên ngành, thu nhập ổn định, mình phụ anh trai mình 1 chút và anh cũng đã trả xong căn chung cư…
Vậy nên các bạn ạ, dù khó, hay khổ bao nhiêu, chỉ cần nỗ lực phấn đấu, cầu tiến thì chắc chắn sẽ đạt được ước mơ” – Cô viết.
Những người đang âm thầm nỗ lực từng phút, từng ngày, bằng công việc chính đáng của mình họ thật sự đáng trân trọng
Từ một cô bé mặc quần áo rách, chỉ ước có xe đạp riêng để đi học, giờ đã tự mua được nhà và ô tô, còn giúp anh trai trả nợ mua nhà. Dù tâm sự không quá dài, nhưng những gì mà cô chia sẻ, khiến mọi người đọc tới đâu là thấy nể phục tới đó.
Cư dân mạng đã để lại nhiều bình luận tích cực với chia sẻ của cô gái như sau:
– Đúng là “trời không phụ lòng người”, cứ kiên trì, ắt sẽ tới ngày “hái được trái ngọt”.
– “Ai lớn lên từ nghèo khổ sẽ biết nỗ lực vươn lên, và trân trọng đồng tiền hơn”.
– “Thích cái cách một câu “trời thương”, 2 câu “trời thương” của chị. Nhưng chủ yếu là do bản thân chị cố gắng nữa mà”.
Công tâm mà nói, không phải đứa trẻ nào lớn lên từ nghèo khó cũng có ý chí, nghị lực vượt khó và thành công giống như cô gái trong bài viết này. Vậy đâu là mới thứ làm nên sự khác biệt? Có lẽ, chính là lòng biết ơn. Biết ơn vì bản thân và người thân vẫn còn mạnh khỏe, biết ơn vì mình vẫn còn cơ hội để nỗ lực, giống như cái cách mà cô gái này “một câu trời thương, hai câu trời thương”.
Đọc xong bài tâm sự của cô, nhìn lại mình, tôi chợt thấy hổ thẹn. Cả tuổi thơ chưa từng biết thiếu thốn có mùi vị thế nào, đến giờ, đi làm cũng gần 1 thập kỷ nhưng vẫn chưa có nổi 100 triệu tiết kiệm, dù chẳng có bất kỳ gánh nặng hay áp lực tài chính nào.
Và lại một năm nữa sắp trôi qua. Có lẽ, với nhiều người – trong đó có tôi, vì chưa từng biết nghèo khó có mùi vị ra sao, nên đâm ra cũng chẳng biết sợ, chẳng biết vun vén cho chính bản thân, kiếm bao nhiêu cũng tiêu cho bằng hết.
Chúng ta đã nói với nhau rất nhiều về những bí quyết tiết kiệm, hay các phương pháp quản lý tài chính, mà quên mất một yếu tố vô cùng quan trọng khác, chính là thái độ trân trọng đồng tiền. Phải chăng, với những người trẻ như tôi, chúng ta vẫn còn đang “vật vã” với mục tiêu từ bỏ thói quen chi tiền vô tội vạ, vì chưa có thái độ đúng với công sức lao động của chính mình?
Đó là điều tôi cứ suy nghĩ mãi sau khi đọc bài viết này, và càng nghĩ, càng thấy nể phục nghị lực phi thường của những lớn lên trong nghèo khó. Với một người như tôi, thì nỗ lực của cô gái trong câu chuyện phía trên thực sự là điều phi thường, hoàn toàn không hề nói quá.