Nguy cơ b:ệnh d:ại phát sinh, lây lan ở Vĩnh Phúc rất cao

(Dân trí) – Tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho chó, mèo ở Vĩnh Phúc mới đạt hơn 59%; hai huyện Sông Lô, Tam Đảo chưa triển khai tiêm phòng. Thế nhưng trên địa bàn đã và đang xuất hiện ổ dịch mới.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay có trên 2.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại; trong đó có 2 người tử vong tại huyện Lập Thạch do bị chó cắn nhưng chủ quan, không đi điều trị kịp thời.

 

Nguồn lây bệnh được xác định từ chó mắc bệnh dại cắn người. Chó mắc bệnh dại đều không được tiêm phòng vaccine theo quy định.

7 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc ghi nhận một ổ dịch dại tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, buộc tiêu hủy 3 con chó mắc bệnh và có nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, tại xã Hiền Ninh và Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tiếp giáp với TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) mới đây phát hiện một con chó mắc bệnh dại cắn 3 người và 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình.

Nguy cơ bệnh dại phát sinh, lây lan ở Vĩnh Phúc rất cao - 1Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại nhưng không ít người chủ quan (Ảnh minh họa: T.Law).

 

 

Dù đã đôn đốc nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, mới có 7/9 huyện, TP triển khai tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (đợt 1) với trên 44.000 con – đạt tỷ lệ hơn 59% so với số liệu rà soát.

2 huyện Sông Lô và Tam Đảo chưa triển khai tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo.

Với tỷ lệ tiêm phòng thấp, trong khi 2 huyện chưa triển khai tiêm phòng, lại tiếp tục xuất hiện các ổ dịch gây chết người trên địa bàn, Vĩnh Phúc đánh giá nguy cơ bệnh dại phát sinh, lây lan rộng trên địa bàn rất cao.

Để giảm thiểu nguy cơ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố, sở ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý chó, mèo, nhất là việc tiêm phòng vaccine đầy đủ cho vật nuôi.

Vĩnh Phúc chỉ đạo rà soát, thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng để tiêm bổ sung hàng tháng, đảm bảo mỗi con chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại 1 lần/năm, đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70%.