Thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đợt bùng phát viêm phổi không rõ nguyên nhân và sự lan rộng của dịch cúm mùa.
Những người có hệ miễn dịch yếu, như trẻ em và người cao tuổi, rất dễ lây nhiễm virus và mắc các bệnh về hô hấp (Ảnh: Đ.T) |
Gia tăng các ca viêm phổi “không xác định nguyên nhân”
Mới đây, Trung Quốc báo cáo sự gia tăng các ca viêm phổi “không xác định nguyên nhân”, với các triệu chứng tương tự Covid-19 như sốt, ho, viêm phổi và các vấn đề hô hấp khác. Những ca bệnh này đang gây quá tải cho các bệnh viện, tạo ra tình trạng căng thẳng và thiếu hụt nguồn lực. Các chuyên gia lo ngại, virus mới có thể là một mối đe dọa lớn, tương tự các dịch bệnh từng xuất hiện trong quá khứ và có khả năng gây ra những đợt bùng phát mạnh mẽ trong cộng đồng.
Trung Quốc đã triển khai các biện pháp để đối phó với tình huống xấu nhất, đồng thời tăng cường giám sát và phòng ngừa nhằm giảm thiểu sự lây lan, song vẫn chưa xác định được chính xác loại virus gây bệnh, khiến tình hình trở nên phức tạp và khó kiểm soát.
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Cục Y tế dự phòng đã nhanh chóng liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung Quốc để xác minh tình hình dịch bệnh và thông tin được chia sẻ qua các kênh truyền thông quốc tế.
Theo thông tin từ Trung Quốc, virus HMPV, cùng với các virus khác như virus cúm và Rhinovirus, là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Những virus này thường gia tăng vào mùa đông và có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Các triệu chứng của bệnh do HMPV tương tự cúm mùa, bao gồm ho, sốt và khó thở.
Dù chưa có báo cáo chính thức từ WHO về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, theo Cục Y tế dự phòng, các ca nhiễm bệnh do HMPV tại Trung Quốc chủ yếu xuất hiện trong các bệnh viện khám bệnh ngoại trú và cấp cứu. HMPV có thể gây viêm phổi nặng, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu, như trẻ em và người cao tuổi.
Trước mối nguy trên, Bộ Y tế đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cục Y tế Dự phòng thực hiện giám sát và theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh. Các cơ quan y tế trong nước cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung Quốc để cập nhật thông tin chính thống về dịch bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm mùa đông, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tránh tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc có triệu chứng hô hấp; đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, đặc biệt là khi tiếp xúc với người mắc bệnh; tiêm vắc-xin cúm để giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus hô hấp.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các cơ sở y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa Đông – Xuân, đặc biệt là các bệnh hô hấp như cúm và HMPV.
Lý giải tình trạng gia tăng ca mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân, PGS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, số người mắc bệnh do HMPV giảm, dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. HMPV là loại virus đường hô hấp phổ biến gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, đặc biệt vào mùa Đông – Xuân, nên bệnh do virus HMPV là bệnh xảy ra hằng năm.
Vào mùa virus phát triển, do biện pháp phòng dịch hạn chế và miễn dịch cộng đồng giảm, dẫn đến số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, ông Phu cũng nhấn mạnh, đây không phải loại virus nguy hiểm, vì vậy người dân không nên quá hoang mang, nhưng cũng không chủ quan trong phòng, chống dịch.
Virus HMPV hiện không có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, ông Phu khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như phòng Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác.
Tiêm vắc-xin để phòng ngừa cúm hiệu quả
Bên cạnh dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, cúm mùa cũng đang lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Cúm mùa thường là một bệnh lý không quá nghiêm trọng ở người trẻ và khỏe mạnh, nhưng đối với những người cao tuổi, trẻ em và những người có bệnh nền, tác động có thể rất nghiêm trọng, gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Năm nay, cúm B là loại virus chủ yếu lưu hành tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, nơi dịch cúm đang gia tăng nhanh chóng sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Đối với dịch cúm, tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhập viện và tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em và những người có bệnh nền, nên tiêm vắc-xin phòng cúm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Vắc-xin cúm cần được tiêm mỗi năm, vì các chủng virus cúm có thể thay đổi và vắc-xin cần được cập nhật để phù hợp với các biến thể mới.
Dù các loại vắc-xin Covid-19 đã được phát triển và tiêm chủng rộng rãi, nhưng mối lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn là một vấn đề chưa thể lơ là. Virus này tiếp tục đột biến, mỗi biến thể lại có những đặc điểm lây lan nhanh chóng hơn, khiến tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp. Mới đây, các chuyên gia ghi nhận một số dấu hiệu của các đợt bùng phát Covid-19 tại nhiều quốc gia, mặc dù tình hình không còn nghiêm trọng như trước.
Các triệu chứng của Covid-19 có thể kéo dài nhiều tháng, bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức (sương mù não) và các biến chứng tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêm phòng Covid-19 không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh, mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các triệu chứng kéo dài.